Bão – Le Clezio

Có thể vì lười biếng, có thể vì đầu óc đã không còn lanh lợi và trở nên chậm chạp, nên có những thứ ta làm nhiều rồi nhưng vẫn làm lại. Đọc sách chẳng hạn, và trong trường hợp của tôi hôm nay là “Bão” của Le Clézio. Tôi đã đọc 3 tới 4 lần. Lần nào cũng như mới. Tình tiết chính thì tôi vẫn nhớ, nhưng cách hành văn, nỗi buồn man mác trong từng câu chữ thì tôi đã quên đâu mất. Tôi phải đọc bản tiếng Việt, vì văn học tiếng Anh chưa phải là thứ tôi thẩm thấu được, có chăng là vài bản tiếng Anh của sách Haruki, vì tôi đã thuộc làu bản tiếng Việt.

Sáng nay Sài Gòn hơi xám xịt và nhiều gió, đường phố cũng văn hơn thì phải. Quán cà phê không đông đúc, chủ yếu là các cặp vợ chồng đi với nhau, mỗi người một việc. Có vài ba anh thanh niên trẻ ngồi chăm chú làm việc, chân lắc đều nhịp có vẻ rất tập trung. Cũng có vài người ngồi đọc sách. Tựu chung là yên ắng.

Có ai trong “Bão”? Có cô bé June con lai cô đơn. Có người mẹ đơn thân sống ngụp lặn với biển. Có người đàn ông phờ phạc vì tội lỗi chiến tranh. Có Mary, người đã quyên sinh bằng cách đi vào lòng biển cả vào một buổi hoàng hôn. Có một hòn đảo như là nơi “tận cùng thế giới” – chỉ có những người nghèo, những người trốn tránh cuộc đời và những kẻ ngoại lai của xã hội.

Khi tìm đến văn học, tôi hay tìm đến những người viết được vẻ đẹp của nỗi buồn, bi kịch và sự cô đơn. Tôi chẳng đọc nhiều, nên đọng lại chỉ có những kiểu nỗi buồn mà tôi còn nhớ được: cái buồn của người miền Tây, của những con người nghèo và khổ và bứt rứt từ cô Nguyễn Ngọc Tư; cái buồn tuyệt vọng, mụ mị và đậm chất ma ám của mấy cuốn cô Đoàn Minh Phượng viết; cái buồn giằng xé giữa u Á của Haruki; cái buồn vì những giày xéo liên quan tới căn tính của Ocean Vương; cái buồn của những con người cô độc trong “Bão” của Le Clézio.Nỗi buồn châu Á mang tính cộng đồng, gia đình, hướng ra bên ngoài; nỗi buồn của những kẻ phương Tây nhiều tính cá nhân hơn, nhiều cô độc hơn.

“Bão” bứt rứt và có nhiều lúc lê thê một cách có chủ đích. “Bão” không đẩy người ta vào khốn cùng và bi kịch khủng khiếp, nhưng cái ám ảnh và ma mị của quá khứ thì cứ như lưng lửng trên trời. Giống như những khi bão đến, chưa mưa gió gì nhưng ta đã biết nó tới… vì mây xám xịt, vì những cơn gió rít. Tôi lại nhớ những năm hồi còn học cấp 3, những năm tôi đã bắt đầu biết nhận thức hơn về thế sự xung quanh. Cửa phòng tôi có một cái hốc nhỏ để nhìn ra ngoài. Những ngày trời bão, gió cứ rít then thét qua đó.

Leave a comment

Blog at WordPress.com.

Up ↑